1. Đuối nước: Trẻ bị đuối nước là do bị nước hoặc một chất lỏng khác gây ngạt thở (còn gọi là ngạt nước)
1.1. Trường hợp xảy ra đuối nước:
- Xảy ra trong khi tắm, bơi ;
- Ngã xuống ao, hồ khi chơi gần ao, hồ không có hàng rào bảo vệ ;
- Xảy ra trong thiên tai.
1.2. Xử trí trẻ bị đuối nước:
- Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước;
- Làm thông thoáng đường thở;
- Nếu trẻ đã bất tỉnh phải hà hơi, thổi ngạt một cách kiên trì và chuyển ngay tới bệnh viện gần nhất.
1.3. Phòng tránh đuối nước cho trẻ:
- Tạo môi trường sinh hoạt an toàn: Ao, giếng, bể, cống, hố, hào… phải được rào chắn hoặc có nắp đậy, không để trẻ chơi gần những nơi nguy hiểm;
- Khi trẻ tắm, bơi phải có người lớn đi kèm.
2. Ngã:
Tùy theo tình trạng nặng hay nhẹ, ngã có thể gây ra những chấn thương cho trẻ như: Chấn thương phần mềm, chấn thương xương khớp, chấn thương nội tạng, chấn thương sọ não và các chấn thương khác.
2.1. Trẻ thường bị ngã trong một số hoàn cảnh sau:
- Do trẻ chơi không đúng chỗ quy định, chơi các trò chơi quá sức của cơ thể, thiết bị vui chơi không đảm bảo an toàn;
- Do môi trường không thuận lợi: Sân, đường trơn, gồ ghề…
- Do người lớn không trông giữ cẩn thận.
2.2. Xử trí khi trẻ bị ngã:
- Phải giúp trẻ bình tĩnh, không để trẻ hốt hoảng;
+ Nếu nhẹ (xây sước da, không có các chấn thương khác): rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, băng lại bằng gạc sạch;
+ Nếu nặng hoặc không đánh giá được chấn thương: để trẻ nằm bất động và gọi ngay cấp cứu 115.
2.3. Phòng ngừa chấn thương do ngã:
- Cho trẻ chơi đúng nơi quy định và thực hiện đúng nội quy vui chơi, chơi những trò chơi phù hợp với sức khỏe và luôn kiểm tra sự an toàn của các thiết bị vui chơi;
- Quản lý trẻ chặt chẽ, không để trẻ chơi ở những nơi nguy hiểm;
- Tạo môi trường an toàn: cửa sổ, cầu thang, hành lang, cửa sổ nhà tầng có chấn song, có rào chắn.