Chủ tịch Hồ Chí Minh - là tấm gương vĩ đại, vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc Việt Nam luôn là tấm gương sáng để mỗi con người Việt Nam phấn đấu noi theo để trở thành người Cán bộ, một Đảng viên gương mẫu, Đảng viên tốt, người công dân tốt trong xã hội. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Câu nói bất hủ ấy đã khẳng định vai trò to lớn của giáo dục đối với việc hình thành nhân cách và phát triển con người. Giáo dục giúp chúng ta rèn luyện ý chí, tôn trọng nhân phẩm, phát triển tài năng, góp phần vào sự tiến hóa chung của nhân loại. Và những người đóng góp công sức vào sự phát triển giáo dục không ai khác chính là những nhà giáo - những người giáo viên. Nghề giáo luôn được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, bởi họ là những người ươm mầm, dìu dắt thế hệ trẻ của đất nước, đưa họ đến những bến bờ hạnh phúc của nhân loại. Vì vậy, không phải ai cũng có thể trở thành những người thầy, người cô - những người đặt hết tâm huyết cũng như tình yêu con người, trách nhiệm lớn lao đối với lớp trẻ, với xã hội.
Qua nhiều năm thực hiện cuộc vận động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đội ngũ nhà giáo trường THCS Tam Hiệp – Thanh Trì – Hà Nội, ngôi trường có bề dày truyền thống hiếu học, ngày càng chuyển biến mạnh mẽ trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong công cuộc “trồng người”. Nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề, có lòng nhân ái, thương yêu học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp đã được học trò tin yêu, phụ huynh nể phục, xã hội trân trọng. Không thể không tự hào khi nhắc đến người cô giáo Phạm Thị Thơm - giáo viên trường THCS Tam Hiệp, được coi trọng như một người mẹ thứ 2 của chúng tôi, là một tấm gương điển hình tiên tiến, bởi lòng nhiệt tình, sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi để cống hiến cho tập thể nhà trường, có bản lĩnh tuyệt vời của một nhà giáo.
Cô giáo Phạm Thị Thơm - giáo viên môn Toán
Cô giáo Phạm Thị Thơm sinh năm 1968, là một trong những tấm gương nhà giáo mẫu mực, được biết đến là người tận tụy, tâm huyết và có trách nhiệm với nghề, và luôn được đồng nghiệp và học sinh yêu quý, vì cô là một người giáo viên năng động trong việc giảng dạy nhưng lại có lối sống vô cùng giản dị, gần gũi, chân thành vô cùng ấm áp. Phẩm chất, nhân cách và chuyên môn của cô đã được ghi nhận và xứng đáng để đồng nghiệp cũng như các thế hệ học trò noi theo. Cô sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, là một tỉnh nhỏ lẻ tuy còn đơn sơ và nghèo nhưng lại có tình thần hiếu học rất nhiệt nhuyết. Cô vào nghề năm 1990, đến năm 1997 cô được phân công về công tác tại trường THCS Tam Hiệp, phụ trách môn Toán học và từ đó đến nay thấm thoát đã 27 năm cô vẫn gắn bó với ngôi trường này. Trải qua bao thăng trầm biến đổi của cuộc sống, trường cũ ngày nào giờ đã khang trang nhưng cô vẫn vậy: giản dị, mộc mạc và chân thành trong trang phục, lời ăn và tiếng nói. Vẫn gương mặt hiền hòa mà đôn hậu, giọng nói trang nghiêm mà ấm áp lòng người. Dưới bàn tay của cô biết bao thế hệ học sinh đã khôn lớn trường thành. Giờ họ cũng đã trở thành những kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học hoặc trở thành những đồng nghiệp như cô. Còn cô vẫn như người lái đò thầm lặng năm xưa chở những chuyến đò qua sông. Dân gian thường ví cái nghề giáo ấy như người lái đò, mỗi đợt khách sang sông là mỗi lứa học sinh trưởng thành từ dòng sông tri thức. Người giáo viên vẫn thầm lặng chứng kiến sự trưởng thành của mỗi em học sinh, qua mỗi năm học là mỗi sự thay đổi từ các em và đó cũng là niềm an ủi cho mỗi thầy cô khi chứng kiến học trò của mình ngày càng trưởng thành. Đối với chúng tôi, cô như một người mẹ dìu dắt, giúp đỡ cho chúng tôi từ những lúc mới chập chững bước vào nghề và thầm lặng quan sát, dõi theo từng bước trưởng thành của mọi lứa học sinh đi qua. Những công việc thầm lặng ấy có mấy ai công nhận, cũng không có bất kỳ lợi ích gì cả, nhưng vì trách nhiệm và lòng yêu nghề nên cô luôn bỏ qua hết tất cả để làm việc và cống hiến một cách thầm lặng.
Học sinh lớp chủ nhiệm, tri ân cô giáo Thơm nhân ngày 20/11
Với cương vị là một giáo viên đứng lớp, cô luôn chủ động tiếp thu cái mới, cái sáng tạo, tích cực để vận dụng trong giờ dạy nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể: cô luôn đổi mới phương pháp sao cho phù hợp tính chất bài học, phù hợp với đối tượng học sinh nên đã để lại ấn tượng cho học sinh có hứng thú với môn Toán học. Chính vì thế mà cô luôn tìm tòi sáng tạo để giờ học Toán của học sinh không bao giờ thấy chán, thấy sợ. Không chỉ vậy, cô luôn nêu cao tinh thần thi đua dạy tốt – học tốt, và phát huy vai trò trách nhiệm của người giáo viên trong thời đại mới; hưởng ứng và thực hiện “Đẩy mạnh học tập làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong sự nghiệp “trồng người” của mình cô vẫn luôn hết lòng vì học sinh, cô không chỉ dạy trên lớp mà tận dụng mọi thời điểm, truyền đạt kiến thức, truyền sự nhiệt tình, say sưa cho học sinh, bồi dưỡng cho các em phương pháp và ý chí quyết tâm trong học tập, giúp các em thấy thêm yêu việc học. Có lẽ, vì những điều đó mà đã khiến cho chúng tôi có sự đam mê với môn Toán học nhiều hơn. Cô thường nói với chúng tôi: “Dạy Toán phải gắn với thực tế vì Toán học giúp ích rất nhiều cho con người trong cuộc sống”. Câu nói của cô đã giúp tôi nhận ra rằng không chỉ có Toán học mà với tất cả các môn học khác nếu biết gắn việc học với thực hành sẽ giúp ta nhiều điều thú vị trong cuộc sống.
Học sinh ra trường trở về thăm cô
Có thể nói sự nhiệt huyết, tận tụy, gương mẫu và phấn đấu không ngừng của cô Phạm Thị Thơm là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò cũng như đồng nghiệp phấn đấu noi theo. Cô là một cô giáo yêu nghề, đạo đức nghề nghiệp vững chắc. Còn là một tấm gương điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cô thật xứng đáng là một tấm gương sáng, một nhà giáo mẫu mực cho thế hệ trẻ chúng tôi học tập và noi theo. Tháng 10/2024, sau 34 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cô Thơm sẽ được nghỉ hưu theo chế độ hy vọng cô sẽ mãi giữ được ngọn lửa của sự say mê, nhiệt tình, sáng tạo, là người thắp lửa cho những đam mê tìm tòi cho các thế hệ học sinh, góp phần đào tạo ra những thế hệ học sinh - công dân có trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo, đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội trong thời đại mới.